Hương khói xa xăm

Mỗi thứ mùi hương gợi nhớ cho ta về một vùng kỷ niệm.

Có lần đi họp phụ huynh, chen chúc đi qua một đám học trò đang chơi đùa ầm ĩ, nghe mùi mồ hôi, mùi khét nắng của lũ trẻ bao vây, bỗng nhớ cồn cào về ngôi trường tiểu học của mình. Mùi của lớp học, của những năm tháng học trò sau những giờ ra chơi nghịch đùa hết cỡ; trở vào lớp rồi, nghe tiếng thước của thầy cô đập chan chát lên bàn kêu gọi trật tự rồi, mà không khí giờ chơi vẫn chưa tan. Mùi của mấy chục đứa chen chúc nhau trong lớp học ngày nắng, quen sao mà quen quá đỗi!

Có những mùi hương đã quá lâu rồi ta không còn dịp để nghe thấy nữa. Đó là mùi của rơm rạ lúa mùa, mùi của bông lúa nướng mỗi sáng mùa gió bấc, khi má ta dậy sớm vun đống lá sau vườn đốt lên trong cái lạnh se se. Ta rút một bông trong đống lúa chất đầy sân chờ quây đập, hơ vào ngọn lửa lá. 

Bông lúa vàng nở trắng trên tay, mùi thơm đó tuyệt vời tưởng chừng như không có mùi thơm nào trong phạm trù ẩm thực có thể tuyệt vời, thanh khiết và thơ mộng tinh tế hơn! Đó là mùi của bùn đất dọc bờ sông; cái thứ đất đủ độ dẻo vừa tay để ta nặn những cái tu hú, con trâu, con cá… Đó là mùi nước cơm chắt ra từ bếp củi, tô nước cơm trắng láng điểm những tàn tro lọ nghẹ. Đó là mùi của bông gáo, bông cà na mà chỉ những trưa đứng gió, ngồi vắt vẻo trên cành sát cạnh những chùm bông ta mới có thể nhận ra.


Phật pháp ứng dụng Hương khói xa xăm

Và, có một mùi hương mà mỗi năm chỉ một lần ta lại được nghe thấy nó. Một mùi hương thiêng liêng, đặc biệt, gợi nhớ nôn nao. Đó là mùi khói nhang đêm giao thừa.

Giờ phút đó, tất cả mọi nhà, làng trên xóm dưới đều thắp lên mấy nén nhang. Mùi khói nhang quyện với mùi bông mai, bông cúc, bông vạn thọ… và những thứ bánh mứt bày cúng. Những mùi hương ấy cứ như hợp đàn nhau, quây quần níu lấy nhau, hòa quyện, lan tỏa bâng khuâng trong không khí đêm khuya thanh khiết.

Ngày ba chưa khuất, đêm giao thừa nào ta cũng về ngồi lắng nghe mùi nhang khói bên ba. Và đã viết lên những vần thơ mộc mạc:

Chiều Tết Ba mươi, chải đầu mang guốc
Mỗi năm ba tôi làm việc ấy một lần
Vài sợi pha sương, da dầy hơn đất
Cần gì lược chải đầu, cần gì guốc cho chân.
Bước mạnh nói to, mỗi năm có một lần
Ba nhẹ gót lầm rầm khấn vái
Tôi khép nép nhìn người đứng lạy
Bỗng thấy mình sợ hãi trước tổ tiên.
Ôi cái điều thiêng liêng
Tôi cứ ngỡ không còn trong tôi nữa
Cuộc sống quay nổi chìm lành vỡ
Tưởng đời ta như ngọn gió không nguồn.
Chiều Ba mươi này bất chợt khói hương
Mùi nhắc nhở cội nguồn… Tôi khóc!
Giọt nước mắt tan mát vào nền đất
Ba tôi cúng xong rồi… bỏ guốc vuốt tay trơn.

Giờ ba đã khuất, ta đã có một mái nhà riêng để đêm giao thừa cũng tự tay thắp hương và nao nao ngồi lắng nghe mùi nhang khói.
Mùi hương thiêng liêng kính cẩn của đêm giao thừa – vùng kỷ niệm mùi hương duy nhất còn sót lại mà ta có thể giữ gìn, thực hiện nghiêm trang tha thiết mỗi năm một lần trong cuộc đời long chong tất bật. 

Bánh mứt dẫu chẳng hương xưa, nhưng mùi các loài hoa vẫn không thay đổi mấy. Dẫu có học đòi theo thời thượng với những loài hoa mới ngộ nghĩnh kiêu sa, thì vị trí trang trọng nhất trong nhà vẫn là nhành mai năm cánh, vẫn cúc và vạn thọ chân thành vàng rực rỡ thân thương, vẫn trái dừa tươi nước trong thanh khiết, dâng cúng đất trời trong hoài niệm xa xăm…

Ta hít thở ngập lòng mùi hương bâng khuâng của đêm giao thừa cũ mới. Lắng nghe tiếng cỏ cây hoa lá đất trời, tiếng của nhịp đời lặng lẽ chuyển xung quanh. Đâu đó trên bầu trời thành phố, trên ti vi… những chùm pháo hoa tỏa sáng.

Xóm làng yên lặng, phố phường nhẹ bớt những âm thanh. Và mùi hương… mùi hương mỗi năm chỉ có một lần trong thời khắc thiêng liêng tỏa lan nghiêm trang dịu nhẹ…

Phút giao thừa, dẫu không ít những người vẫn còn ngược xuôi tất bật ngoài đường, không ít những người nô nức đi rong, không có mặt trong ngôi nhà thân thương để ngồi lắng nghe mùi khói hương trong thời khắc thiêng liêng ấy, nhưng đất trời vốn luôn hào phóng; xa xăm hương khói mãi luôn có mặt, thấm đẫm lặng thầm trong những góc lòng biết nhớ…

Xem thêm: