Điều xấu đến, do lỗi mình

Cư sĩ Lý Bỉnh Nam khai thị tại Phật thất chùa Linh Sơn năm Nhâm Tý:

“…… Tổ sư Ngẫu Ích đã dạy cho kẻ ngu pháp ‘sám hối hồi hướng.’ Với hết thảy những sự nơi thân, khẩu, ý, hễ lành thì hồi hướng Tây Phương, hễ ác thì sám hối ngay lập tức. Ngay cả việc lành sám hối đó cũng đem hồi hướng Tây Phương. Kẻ si chẳng thể phân biệt thiện ác thì cứ nhất loạt sám hối, nhất loạt hồi hướng. Tâm quyết định như thế thì niệm niệm tại Tây Phương, lực dụng rất lớn. Cách thực hiện như sau:

1) Sau hai khóa lễ sáng tối liền sám hối, hồi hướng.

2) Thường ngày hễ gặp cảnh trái ngang, lăng nhục, khốn khổ liền lập tức sám hối, hồi hướng. Bởi đấy là do túc nghiệp (1) tạo thành như thế cho nên phải sám hối nghiệp nặng.

3) Lúc tâm khởi ác niệm, phiền não bèn lập tức sám hối. Do nghiệp lực (2) nên phiền não thường khởi, đừng đổ lên người khác. Nếu không, hậu báo (3) vô cùng vậy. Bởi lẽ, những chuyện ngang trái v.v… là do nghiệp lực, chịu xong liền hết. Nếu lại khởi phiền não gieo vạ cho người khác thì sẽ xoay vần báo trả nhau, chính là mình tự hại mình vậy!


Phật pháp ứng dụng Điều xấu đến, do lỗi mình

Ba thứ sám hối hồi hướng như thế chính là pháp môn mất nhiều năm tôi mới cầu được, nay tặng cho quý vị. Quý vị hãy thực hành, đừng khinh là tầm thường. Tổ Ngẫu Ích bảo sám hối, hồi hướng lại thêm niệm Phật thì không ai là chẳng thành cả!

***
Chú thích:
(a): Túc nghiệp: nghiệp đời trước (có thể là nghiệp lành hoặc nghiệp ác.)
(b): Nghiệp lực: sức báo ứng của việc mình làm

(c): Hiện báo: đời này làm và đời này có báo ứng.

Sinh báo: Kiếp này làm, kiếp sau có báo ứng.
Hậu báo: Kiếp này làm, hai, ba hay nhiều kiếp về sau mới có báo ứng.

Xin được viết lại phần 2 và phần 3 như sau:

Ta gặp cảnh trái ngang, lăng nhục, khốn khổ,... cũng như tâm thường khởi ác niệm, phiền não là do ta đã tạo nghiệp đời trước nên nay phải trả quả. Vậy phải sám hối. Sám hối là việc làm tốt nên đem hồi hướng về Tây Phương.

Hiểu như vậy, mình phải chấp nhận những điều xấu đến với mình như một sự trả quả báo. Vậy đừng đổ lỗi (gieo vạ) cho

người đem điều xấu đến cho mình. Vì đổ lỗi cho người tức mình không nhận lỗi thì kết quả là nhiều kiếp sau mình sẽ nhận quả báo nặng hơn. (Hậu báo vô cùng)

Những trái ngang, lăng nhục, khổ sở... ta gặp là quả báo ta phải chấp nhận. Chịu nhận và sám hối là hết. Còn cứ ôm phiền não để rồi trả oán thì ân oán cứ xoay vần mãi không thôi. Có phải làm vậy là ta đã tự hại ta không?

Xin ghi lại ý chính trong phần 2 và phần 3 qua bài thơ sau:

ĐIỀU XẤU ĐẾN, DO LỖI MÌNH

Có người lăng nhục, bôi nhọ,... ta, Hoặc chướng duyên đến, tự nhủ là: Do ta tạo nghiệp nhiều kiếp trước, Đủ duyên, quả trổ, chẳng kêu ca.

Hậu báo vô cùng, vì gieo vạ (đổ lỗi)! Ân oán vần xoay, tự hại ta !

Biết vậy từ nay, điều xấu đến. Chí thành sám hối, ắt tội qua.

Sám hối vừa xong phải nhớ là: Đó là công đức chớ bỏ qua! Liền đem hồi hướng về tịnh độ, Làm nhiều, Cực Lạc sẽ không xa!
(Làm nhiều: tức hồi hướng công đức về Tây Phương càng nhiều, con đường ta về cõi ấy càng gần)

Chúng tôi đã học thuộc lòng bài thơ. Một khi có điều gì không hay xảy đến, lại nhớ bài thơ và áp dụng. Nếu chịu nhận điều xấu đến là do tội mình đã gây nhiều kiếp trước và nay phải trả quả, rồi liền chí thành sám hối và hồi hướng thì coi như xong. Còn như tâm vẫn thấy phiền não, chúng tôi cứ nhẩm hai câu:

“Hậu báo vô cùng vì gieo vạ! Ân oán vần xoay, tự hại ta” thật nhiều lần rồi từ từ thấy tâm cũng dịu lại. Nếu phiền não lại khởi lên nữa, chúng tôi vẫn kiên trì lặp 2 câu thơ ấy. Hoặc có khi nhẩm trong đầu 2 câu khác là:

Điều xấu đến, do lỗi mình. Đừng khổ, giận mới thật tình tập tu.

Xin mời quý vị cứ thử thực tập mà xem. Điều khó nhất là phải tin luật nhân quả một cách tuyệt đối thì việc áp dụng bài thơ mới có kết quả.

Nếu quí vị hữu duyên: “Đọc, gạn lọc lấy điều hay, Đem áp dụng mong đổi thay cuộc đời” mang lại kết quả tốt, chúng tôi xin đem hồi hướng công đức này về cho tất cả pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Trân trọng.

Xem thêm: